GS Hoàng Chí Bảo: Chính phủ kiến tạo là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh
GS Hoàng Chí Bảo (ảnh bên), chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khóa X, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực khẳng định, ngay từ những ngày thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm hết sức tiến bộ và nhân văn về vai trò và trách nhiệm của Chính phủ. Cũng ngay từ thời điểm ấy, Người đã phê phán việc lợi dụng chức quyền biến việc công thành việc tư, dùng người nhà mà gạt đi hiền tài trong bộ máy Nhà nước. GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ: Phải dùng người tài đức, chứ không theo cánh hẩu Khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính, đó chính là sự kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào Chính phủ sẽ hành động vì dân, vì quyền lợi và cuộc sống của dân, cho nên dựa vào dân, có sự giúp đỡ ủng hộ của dân thì chúng ta sẽ nhất định vượt qua được những khó khăn và thực hiện được mục đích cao cả mà Chính phủ đã đề ra. Bác đã viết tác phẩm có tên: “Sửa đổi lề lối làm việc”, thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên khi Đảng đã nắm quyền, trong đó Người phê phán những căn bệnh như chủ nghĩa cá nhân, không có đạo đức cách mạng trong sáng, thiếu kiến thức nhưng coi thường việc học hành, bệnh địa phương cục bộ, bệnh nói nhiều làm ít. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính cần vận dụng những tư tưởng này của Bác để xây dựng đội ngũ công chức hiện nay. Trong đạo đức Hồ Chí Minh, Người đặc biệt nhấn mạnh bốn đức là cần, kiệm, liêm, chính. Người nói có cần, có kiệm thì mới liêm (liêm khiết, trong sạch, không có gì khuất tất), chính (chính trực, công bằng). Có liêm, có chính thì mới được lòng dân. Vì vậy, có thể nói Chính phủ mà Hồ Chí Minh kiến tạo là một Chính phủ liêm chính, những người trong bộ máy công quyền phải là những người phục vụ cho lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì phải vừa xây dựng, tạo cơ hội, tạo môi trường làm ăn, kinh doanh tốt cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp đồng thời phải quyết liệt chống tham nhũng. Liêm chính là chống bằng được tham nhũng - căn bệnh đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chống được tham nhũng thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh, nhân dân mới thụ hưởng được lợi ích chính đáng của mình. Liêm chính là chống bằng được tham nhũng - căn bệnh đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thưa giáo sư, nguy cơ lợi ích nhóm cất nhắc thân hữu, người thân vào nhiều vị trí béo bở trong hệ thống chính quyền đã trở thành một thực tế đáng báo động. Khi xây dựng Chính phủ liêm chính, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dùng người và chống lại lợi ích nhóm như thế nào? Có thể nói, Bác Hồ lên tiếng chống lại lợi ích nhóm (theo nghĩa tiêu cực) từ rất sớm. Bác nói dùng người là phải người tài, đức, công tâm, chính trực, chứ không theo cánh hẩu (nhóm lợi ích) với nhau, cũng không đưa bà con, họ hàng vào bộ máy. Người đề cao phẩm chất “dĩ công vĩ thượng” (đặt việc công lên trên hết) và phê phán, chỉ trích chuyện lợi dụng chức quyền mà biến việc công thành việc tư, biến “dĩ công vi thượng” thành “dĩ công dinh tư” (biến công thành của riêng mình). Điều này bây giờ chúng ta thấy không ít nhưng ngay từ năm 1945-1946, Bác đã phát hiện ra rồi, phát hiện từ việc lợi dụng xe công. Bác gửi thư cho chính quyền địa phương các cấp, phê phán căn bệnh cục bộ địa phương dẫn đến việc lôi kéo người thân thích họ hàng vào làm việc, lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân mà sau này Người nói rõ đó là bệnh giặc nội xâm, chủ nghĩa cá nhân, vị kỉ, vụ lợi. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: dùng người tài, chọn người tài cho đất nước chứ không chọn người nhà. Người hiền tài dù ở trong núi thẳm, rừng sâu cũng phải tìm cho được. Những tâm huyết như vậy là rất đáng quý nhưng bây giờ phải chứng minh bằng hành động và đo được hiệu quả biến chuyển tích cực. Phải biết giải phóng sức dân, bồi dưỡng sức dân, tiết kiệm sức dân Thủ tướng Chính phủ đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp như một trong những biểu hiện của Chính phủ kiến tạo. Xin giáo sư cho biết tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế tư nhân? Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn về kinh tế. Người dùng từ nông gia (nhà nông), thương gia (nhà buôn, kinh doanh sản xuất), Người chủ trương kháng chiến kiến quốc thì phải huy động được toàn bộ sức lực của toàn dân mà trong đó Người rất chú trọng đội ngũ doanh nhân, rất chú trọng vấn đề phát triển kinh tế. Không chỉ kinh tế nhà nước (quốc doanh), Người chú trọng phát triển kinh tế của các tiểu thương, tiểu chủ, các thương gia miễn là họ không làm chỉ cho mình mà họ đóng góp vào ích lợi của quốc dân. Dân giàu thì nước mạnh, xóa được đói, giảm được nghèo tiến tới khá giả, từ khá giả lên giàu có, đã giàu có thì nên giàu có nữa, miễn là sử dụng sức lao động chính đáng của mình. Thước đo là ích quốc lợi nhà, dân giàu nước mạnh, tận dụng tiềm lực tối đa của dân chúng trong xã hội. Người chủ trương phát triển các thành phần kinh tế miễn là có hướng dẫn đúng về luật pháp, tạo môi trường hoạt động hợp pháp, khuyến khích động viên, có động lực để cho họ phát triển. Bác rất chú trọng lợi ích của nước nhà, của nhân dân, lợi ích của bản thân người sản xuất kinh doanh. Lợi ích là động lực. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư tưởng như thế nào về quan hệ giữa Chính phủ với người dân, giữa kinh tế với văn hóa? Để phù hợp với trình độ của đa số người dân lúc bấy giờ, Bác chủ trương Chính phủ cấp vốn, cấp tiền, nhân dân thì có công có sức trong chăn nuôi, trồng trọt. Chính phủ và nhân dân hợp tác với nhau. Đến lúc thu hoạch thì chia đôi, nhân dân có lợi ích. Chính phủ có chính sách để động viên nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến nuôi quân đánh giặc. Tất cả cũng vì lợi ích quốc dân đồng bào. Tư duy chú trọng lợi ích về phát triển kinh tế như thế ở Hồ Chí Minh xuất hiện rất sớm. Người luôn nhấn mạnh vấn đề quản lý phải nền nếp, khoa học, không được thất thoát, không được làm cho lợi ích của dân bị tổn hại. Người nói kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa là bốn mặt quan trọng ngang nhau, không xem nhẹ mặt nào. Ngay văn hóa cũng thế, văn hóa không ở bên ngoài mà thấm vào trong kinh tế và chính trị. Phải dùng sức mạnh văn hóa để chống thói phù hoa xa xỉ, dùng sức mạnh dân chủ để chống quan liêu tham nhũng. Đến nay, những điều này vẫn còn nguyên giá trị. Bác nhấn mạnh: những người đi buôn phải rèn luyện tính không buôn gian bán lận và phải đóng thuế cho Nhà nước. Công dân đóng thuế cho Nhà nước, Nhà nước sử dụng tiền thuế của dân để lo cho công việc của dân. Đóng thuế là một nghĩa vụ, đồng thời là thái độ yêu nước. Không buôn gian bán lận là đạo đức người kinh doanh, không lãng phí thời gian tiền của là đạo đức của cán bộ, công chức, người sản xuất. Những điều đó phải đi vào cuộc sống bởi nó rất thiết thực. Bác không nói những lý thuyết xa xôi dài dòng mà đề cập tới những gì cuộc sống đòi hỏi, và chính từ nguyện vọng của nhân dân. Mong muốn của nhân dân là được yên ổn làm ăn, để phát triển. Bác khẳng định: Chính phủ phải làm cho dân có ăn, dân có mặc, có chỗ ở, học hành, tự do chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng. Tôi coi đó là một thông điệp thiết thực, cụ thể, luôn luôn xuất phát từ dân, kết quả cũng của dân. Về mặt lý luận, Bác khái quát: phải giải phóng được sức dân, khơi dậy mọi tiềm năng để phát triển sức dân, biết bồi dưỡng sức dân, tiết kiệm sức dân. Mỗi đồng tiền đều là mồ hôi nước mắt của dân. Công thức này là kim chỉ nam của Chính phủ. 24 năm là Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia, Người luôn thực hành mẫu mực nhất cần kiệm liêm chính, thực hành mẫu mực nhất việc gần dân và thực hành nhất quán lẽ sống cao thượng nhất, đó là làm đầy tớ công bộc của dân, đến mức quên mình. Đây là bài học lớn đối với cán bộ đảng viên. Hiện nay, chúng ta có 4,5 triệu đảng viên, hàng triệu công chức. Nếu mỗi ngày, mỗi người làm được việc tốt như thế thì xã hội sẽ lành mạnh, niềm tin của dân không bao giờ mất. Nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa Đảng và dân hiện nay, tôi mới thấm thía một thực tế là dân không bao giờ xa Đảng, chỉ có cán bộ, đảng viên xa dân. Dân không hoài nghi đường lối chính sách của Nhà nước chỉ có cán bộ, đảng viên làm sai để đánh mất niềm tin của dân. Xin cảm ơn giáo sư!
nguồn: http://www.trelangblog.com/2017/01/gs-hoang-chi-bao-chinh-phu-kien-tao-la.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét