Ý thức xã hội tồn tại trong những bộ phận và những hình thái khác nhau. Những bộ phận của ý thức xã hội bao gồm tâm lý xã hội, dư luận xã hội... những hình thái chủ yếu của ý thức xã hội bao gồm ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức...
Ảnh minh họa
Tính phong phú, đa dạng của các bộ phận, các hình thái ý thức xã hội phản ánh tính phong phú, đa dạng của bản thân đời sống xã hội. Trong sự phát triển chung của ý thức xã hội, các bộ phận, các hình thái ý thức xã hội luôn ảnh hưởng, tác động qua lại với nhau. Ph.Ăngghen viết: "Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật… đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế.
Ý thức pháp luật là hiện tượng mang tính giai cấp, xuất hiện cùng với sự xuất hiện của pháp luật. Các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau có sự thể hiện ý thức pháp luật khác nhau, trong đó ý thức pháp luật giữ vai trò chủ đạo là ý thức pháp luật của giai cấp thống trị cầm quyền. Nhưng, trước khi có sự xuất hiện nhà nước, pháp luật và cùng với đó là ý thức pháp luật, những yếu tố tham gia định hướng và điều chỉnh ý thức, hành vi xã hội của con người lại chính là đạo đức, phong tục, tập quán, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng... đặc biệt là dư luận xã hội.
Trong lịch sử xã hội loài người, dư luận xã hội đã từng đóng vai trò điều hoà các mối quan hệ xã hội, định hướng hành vi xã hội của con người ngay cả khi trong xã hội chưa có sự phân hoá giai cấp, chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật, cũng có nghĩa là chưa có ý thức pháp luật đó là xã hội nguyên thuỷ. Ph.Ăngghen đã nhận xét rằng, trong chế độ xã hội này không hề có các phương tiện ép buộc nào khác ngoài dư luận xã hội. Cơ chế tác động, điều tiết được thực hiện dựa trên phương pháp tác động xã hội và phụ thuộc vào mức độ chín muồi của dư luận xã hội, mức độ xâm nhập và ảnh hưởng của nó, cũng như trình độ phát triển của xã hội.
Từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, triết học Mác - Lênin đã chỉ rõ vai trò to lớn, sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố tinh thần đối với hoạt động sống của con người, trong đó có dư luận xã hội. Sức mạnh to lớn của dư luận xã hội xuất phát từ vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Sự gia tăng vai trò của các tầng lớp nhân dân trong xã hội đã dẫn đến sự gia tăng hiệu lực và tính hiện thực của dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thẩn làm cải biến xã hội. Nhận thức rõ sức mạnh lớn lao của dư luận xã hội trong công cuộc cải tạo xã hội mới, Ph.Ăngghen cho rằng, "để có thể chí ít nghĩ đến việc hoàn thành được cuộc cải tạo đó, thì trước hết phải diễn ra sự tiến bộ lớn lao trong dư luận xã hội". Kế thừa tư tưởng này của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin khẳng định rằng, để chiến thắng, cách mạng cần phải đưa vào sức mạnh vật chất và tinh thần của dư luận xã hội. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng sức mạnh to lớn của dư luận xã hội để củng cố kỷ luật lao động, đấu tranh với những tàn dư của xã hội cũ, V.I.Lênin khẳng định: "Chúng ta muốn rằng chính phủ bao giờ cũng phải được dư luận công chúng của nước mình kiểm soát". Điều đó cho thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn ghi nhận vai trò to lớn của dư luận xã hội đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dư luận xã hội là sự biểu hiện trạng thái ý thức của một cộng đồng người, là một phương thức tồn tại đặc biệt của ý thức xã hội. Trong cấu trúc của dư luận xã hội luôn có mặt tất cả các thành phần, các yếu tố cấu thành ý thức xã hội: nhận thức, tình cảm và ý chí, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng, ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức và thẩm mỹ... Dư luận xã hội với tư cách một hiện tượng xã hội đặc biệt không tồn tại độc lập như là một thành phần trong kết cấu nói trên, mà nó tham gia, có mặt trong tất cả các bộ phận, các thành phần của ý thức xã hội. Vấn đề là ở chỗ, khi có một sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội nào đó, dù là thuộc ý thức xã hội thông thường, ý thức xã hội lý luận, tâm lý xã hội hay thuộc hệ tư tưởng xã hội, có đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng xã hội và thu hút được sự quan tâm chú ý của họ, thì khi đó sẽ nảy sinh dư luận xã hội.
Ý thức pháp luật là một hình thái của ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại xã hội từ góc nhìn pháp luật, là toàn bộ các tư tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất và vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội. Ý thức pháp luật có cấu trúc tương đối phức tạp, có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Căn cứ vào nội dung và tính chất của các bộ phận hợp thành, ý thức pháp luật bao gồm hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Căn cứ vào cấp độ và giới hạn nhận thức, ý thức pháp luật được chia thành hai bộ phận cơ bản: ý thức pháp luật thông thường và ý thức pháp luật lý luận. Còn căn cứ vào chủ thể của ý thức pháp luật, ý thức pháp luật được chia thành: ý thức pháp luật của cá nhân, ý thức pháp luật của nhóm xã hội và ý thức pháp luật xã hội nói chung.
Do vậy, dựa vào cấu trúc của ý thức pháp luật, chúng ta có thể đứng trên nhiều góc độ khác nhau để phân tích sự tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích sự tác động của dư luận xã hội đối với hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật.
Sự tác động của dư luận xã hội đến hệ tư tưởng pháp luật
Hệ tư tưởng pháp luật là tổng hợp các tư tưởng, quan điểm, quan niệm có tính chất lý luận và khoa học về pháp luật, phản ánh về pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, tự giác dưới dạng các khái niệm, các phạm trù khoa học. Hệ tư tưởng pháp luật phản ánh trình độ nhận thức cao, có tính hệ thống về các vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật trên lập trường của một giai cấp nhất định. Nó là cơ sở để sáng tạo các giá trị pháp luật, phổ biến các tư tưởng, quan điểm pháp luật tiến bộ, nhân văn trong xã hội.
Dư luận xã hội tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng pháp luật. Với tư cách một hiện tượng xã hội, dư luận xã hội phản ánh tồn tại xã hội nói chung, đồng thời phản ánh các sự kiện, hiện tượng pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội. Sự bàn luận, trao đổi ý kiến giữa các thành viên trong xã hội về các sự kiện, hiện tượng pháp lý đưa tới kết quả là, họ đạt tới sự nhận thức chung, thống nhất trong các phán xét, đánh giá về sự việc, sự kiện pháp lý. Ban đầu, "chuẩn mực" chung chi phối quá trình thảo luận, bàn bạc giữa họ là những thông tin, kiến thức, hiểu biết về pháp luật mà mỗi thành viên có được từ những nguồn khác nhau, chủ yếu là những khái niệm cơ sở mang tính kinh nghiệm. Các ý kiến bước đầu được đưa ra có thể khác nhau vì nhận thức pháp luật của mỗi thành viên xã hội cũng khác nhau. Dần dần, các cuộc thảo luận đi vào chiều sâu, nội dung các phán xét, đánh giá của dư luận xã hội thường tập trung vào những vấn đề trọng tâm, đưa ra những nhận định phản ánh đúng đắn bản chất của các sự kiện, hiện tượng pháp lý. Khi đã hình thành, dư luận xã hội biểu thị thái độ, quan điểm, cảm xúc, ý chí tập thể của đại đa số người trong cộng đồng xã hội trước thực tiễn đời sống pháp luật của xã hội, thể hiện trình độ nhận thức cao, có tính hệ thống về các vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật.
Như vậy, trên cơ sở của sự phán xét, đánh giá về các sự kiện, hiện tượng pháp luật diễn ra trong đời sống xã hội, dư luận xã hội làm nảy sinh trong nhận thức của mọi người những khái niệm cơ sở, mang tính bề ngoài, ngẫu nhiên và sau đó là những tri thức phản ánh đúng đắn bản chất của các hiện tượng pháp lý. Từ đó, hình thành nên các quan điểm, quan niệm, tư tưởng phản ánh những vấn đề có liên quan đến pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, có tính hệ thống trong xã hội. Điều đó nói lên sự tác động mạnh mẽ của dư luận xã hội đối với quá trình hình thành và phát triển của hệ tu tưởng pháp luật.
Một trong những đặc điểm cơ bản của dư luận xã hội là tính lan truyền. Dư luận xã hội. là sản phẩm của tư duy phán xét, là sự thể hiện quan điểm, thái độ của các cá nhân trước các hiện tượng pháp lý. Dư luận xã hội lan truyền càng rộng thì càng có xu hướng thống nhất về nội dung các phán xét, đánh giá, càng làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật. Do đó ảnh hưởng của dư luận xã hội đối với hệ tư tưởng pháp luật còn thể hiện ở chỗ, dư luận xã hội tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật.
Hệ tư tưởng pháp luật chính thống của một xã hội nhất định bao giờ cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Do đó, trong mỗi học thuyết, quan điểm pháp lý đều chứa đựng những tư tưởng về quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội và ý chí của một giai cấp nhất định. Chúng nảy sinh, tồn tại phát triển hay bị thủ tiêu đều phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Khi giai cấp thống trị là lực lượng tiến bộ trong xã hội, có lợi ích giai cấp phù hợp với lợi ích cơ bản của các lực lượng xã hội khác thì tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật sẽ thể hiện nổi trội, rõ nét. Trong điều kiện như vậy, nội dung của các nhận định, đánh giá về những sự kiện, hiện tượng pháp lý mà dư luận xã hội đưa ra sẽ tương ứng và phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật của hệ tư tưởng pháp luật chính thống, nghĩa là ý chí của giai cấp cầm quyền có nhiều nét tương đồng với dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành, phát triển và phổ biến hệ tư tưởng pháp luật trong xã hội.
Đối với đại đa số quần chúng nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn có tầm quan trọng hàng đầu. Dư luận xã hội đóng vai trò là "người lính canh giữ", bảo vệ những quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội, cũng như các giá trị, lợi ích cá nhân chính đáng của con người. Mỗi khi quyền lợi, các giá trị của quốc gia, dân tộc bị xâm hại thì du luận xã hội lập tức xuất hiện với thái độ lên án, phản đối gay gắt. Mỗi khi các cá nhân hoặc nhóm xã hội nào đó có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, dư luận xã hội cũng lập tức lên án, gây sức ép nhằm ngăn chặn hành vi đó. Chẳng hạn, những vụ phạm pháp hình sự đặc biệt nghiêm trọng, như giết người dã man, xâm hại an ninh quốc gia... thường khiến cho dư luận xã hội hết sức công phẫn, đòi trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội. Trong trường hợp này, nội dung phản ánh các sự kiện, hiện tượng pháp lý của dư luận xã hội phù hợp với hệ tư tưởng pháp luật tiến bộ, đang phổ biến trong xã hội, đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của đông đảo các lực lượng tiến bộ trong xã hội. Điều đó cho thấy, dư luận xã hội có tác đụng củng cố, bảo vệ tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội của hệ tư tưởng pháp luật.
Khi giai cấp cầm quyền trong xã hội, vì những lý do nhất định, muốn duy trì một hệ tư tưởng pháp luật lạc hậu, bảo thủ, thì các quan niệm, tư tưởng pháp lý của nó chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị, đi ngược lại các giá trị dân chủ, nhân văn trong xã hội. Trong các chế độ xã hội độc tài, phát xít, hệ tư tưởng pháp luật của nó thường mất đi tính dân chủ, tính khoa học và tính xã hội, thông tin pháp lý bị bưng bít, các quyền cơ bản của con người bị chà đạp, xoá bỏ. Trong các xã hội đó, nhân dân không được công khai bày tỏ các quan điểm, ý kiến của mình, nên ở đây thường hình thành cái gọi là "dư luận xã hội của đa số im lặng' mà sức mạnh của nó được ví là "sóng ở đáy sông". Kết quả là, cùng với các cuộc đấu tranh cách mạng, dư luận xã hội của đông đảo các lực lượng xã hội tiến bộ sẽ tạo nên một áp lực mạnh mẽ, góp phần hình thành và phát triển hệ tư tưởng pháp luật mới, phù hợp hơn và tiến bộ hơn.
Như vậy, có thể nói, dư luận xã hội với tư cách một hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội luôn có tác động mạnh mẽ đến hệ tư tưởng pháp luật. Một mặt, thông qua quá trình trao đổi, thảo luận ý kiến giữa các nhóm xã hội về những sự kiện, hiện tượng pháp luật diễn ra trong xã hội, dư luận xã hội góp phần làm nảy sinh các quan điểm, quan niệm, tư tưởng phản ánh những vấn đề có liên quan đến pháp luật và các hiện tượng pháp luật một cách sâu sắc, có tính hệ thống trong xã hội. Mặt khác, dư luận xã hội có tác dụng phổ biến, tuyên truyền trong các tầng lớp xã hội những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật tiến bộ, nhân văn.
Sự tác động của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật
Tâm lý pháp luật hình thành một cách tự phát dưới dạng tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của các cá nhân và các nhóm xã hội đối với pháp luật, cũng như những hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội. Tâm lý pháp luật chỉ biểu hiện cấp độ nhận thức thông thường dựa trên cơ sở tình cảm pháp luật truyền thống, kinh nghiệm sống, tập quán và tâm lý xã hội. Tâm lý pháp luật, cũng như những yếu tố tâm lý vốn có của con người là sự phản ánh trực tiếp các sự kiện, hiện tượng bên ngoài có liên quan đến pháp luật. Những sự kiện, hiện tượng pháp luật đó đồng thời cũng là đối tượng phản ánh của dư luận xã hội. Vì vậy, ảnh hưởng của dư luận xã hội đến tâm lý pháp luật được thể hiện trên các phương diện sau:
Một là, dư luận xã hội có tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật. Tình cảm pháp luật là yếu tố cơ bản của tâm lý pháp luật, thường được hình thành một cách tự phát dưới ảnh hưởng của hoạt động giao tiếp hàng ngày của con người với môi trường pháp lý xung quanh. Và, do là yếu tố mang tính tự phát, chịu sự chi phối của phong tục, tập quán, kinh nghiệm sống và nếp sống của con người, nên tình cảm pháp luật có thể được bộc lộ dưới dạng các phản ứng tích cực, cũng như tiêu cực của mỗi người trước những sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong thực tế. Do vậy, tình cảm pháp luật có thể biểu hiện dưới dạng tích cực, như thái độ phản ứng lại các hành vi vi phạm pháp luật, yêu công lý, đề cao công bằng xã hội, đề cao trách nhiệm pháp lý... cũng có thể biểu hiện dưới dạng tiêu cực, như cổ vũ cho hành vi phạm pháp, chống đối người thi hành .công vụ, làm ngơ trước người bị hại... Tất cả những biểu hiện đó của tình cảm pháp luật đều là đối tượng phán xét, đánh giá của dư luận xã hội.
Trong thực tiễn đời sống pháp luật, trước những diễn biến của một sự kiện hay hiện tượng pháp luật, dư luận xã hội thường nảy sinh và biểu hiện ở hai xu hướng: thứ nhất, khen ngợi, biểu dương tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước các hành vi vi phạm pháp luật, ủng hộ những việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân, thử hai, phê phán, lên án các hành vi sai trái, phạm pháp, phạm tội. Về mặt tình cảm, không ai muốn mình trở thành đối tượng phán xét của dư luận xã hội, không ai muốn hứng chịu sức ép của "búa rìu xã hội". Do vậy, mỗi cá nhân đều mong muốn có thể kiểm soát, điều chỉnh tình cảm và hành vi của mình sao cho phù hợp với ý chí chung của cộng đồng xã hội. Với ý nghĩa đó, dư luận xã hội tác động mạnh mẽ tới tình cảm pháp luật, góp phần định hướng cho sự hình thành tình cảm pháp luật tích cực, đúng đắn của mỗi công dân.
Hai là, dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp. Tâm trạng của con người trước luật pháp là sự thể hiện trạng thái tâm lý của các cá nhân trước các sự kiện, hiện tượng pháp lý diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày. Đây là yếu tố rất linh động, dễ thay đổi của tâm lý pháp luật. Do sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố, như điều kiện sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày mà tâm trạng của con người thường được thể hiện ra ở các trạng thái đối lập: hưng phấn - ức chế, lạc quan - bi quan, hy vọng - thất vọng, quan tâm - thờ ơ, nhiệt tình - lãnh đạm... trước thực tiễn cuộc sống. Tuỳ thuộc đang trong tâm trạng hưng phấn, nhiệt tình, người ta dễ có những phản ứng mạnh mẽ, tích cực trước các hành vi vi phạm pháp luật ở nơi công cộng, còn khi không tin tưởng vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, người ta thường thờ ơ trước các sự kiện pháp lý... Những tâm trạng đó được bộc lộ trong nội dung các phán xét, đánh giá của dư luận xã hội và qua đó, dư luận xã hội tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Với tư cách là sự thể hiện ý chí chung của cộng đồng xã hội, dư luận xã hội có thể động viên, khích lệ, khơi gợi niềm tin của các thành viên trong xã hội đối với sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, đưa ra những lời khuyên, tư vấn về cách ứng xử trước một thực tiễn pháp luật nhất định. Dư luận xã hội có thể tác động, làm nảy sinh trong mỗi người tâm trạng xúc động trước hành vi thể hiện ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Đây là một biểu hiện cao của lương tâm con người, hướng con người tới ý muốn noi theo những người có thái độ tự giác chấp hành các nguyên tặc, quy định của pháp luật, tuân theo quy luật hướng Thiện. Thông qua việc tạo ra những "khuôn mẫu tư duy", "khuôn mẫu hành động" cho các thành viên trong xã hội, dư luận xã hội hướng con người theo gương người tết, việc tất trong lĩnh vực chấp hành pháp luật. Điều đó nói lên rằng, dư luận xã hội có ảnh hưởng tích cực tới tâm trạng của con người trước luật pháp.
Ba là, thông qua dư luận xã hội, các cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành. Tâm lý pháp luật không chỉ biểu hiện ở tình cảm pháp luật, tâm trạng của con người trước luật pháp, mà nó còn được biểu hiện ra ở việc các cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình trong môi trường điều chỉnh của pháp luật. Hành vi pháp luật của con người, trong chừng mực nhất định, chính là sự hiện thân của tình cảm pháp luật và tâm trạng trước luật pháp của họ. Cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình có thể biểu hiện dưới dạng cảm xúc, như tự hào, phấn khởi hay e ngại, xấu hổ, lo lắng... Những phán xét, đánh giá (khen - chê, biểu dương - lên án...) của dư luận xã hội đối với hành vi của các cá nhân, ở một mức độ nào đó, đều tham gia vào việc điều chỉnh hành vi pháp luật của cá nhân. Nói cách khác, dư luận xã hội, trong trường hợp này, là "tấm gương" để mỗi cá nhân tự soi mình vào đó mà định hướng, điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân. Sức mạnh đặc trưng của dư luận xã hội khiến cho mỗi cá nhân luôn phải suy nghĩ, xem xét trước khi thực hiện một hành vi pháp luật nào đó: hành vi đó đúng hay sai? phù hợp hay không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành? Nếu thực hiện một hành vi nào đó thì có bị dư luận xã hội lên án hoặc phải chịu sự xử lý theo các nguyên tắc luật định không? Điều đó cho thấy, dư luận xã hội luôn có tác động tới cách thức mà mỗi cá nhân tự đánh giá về hành vi ứng xử của mình.
Như vậy, có thể nói, dư luận xã hội luôn có tác động mạnh mẽ đến tâm lý pháp luật. Tác động đó được thể hiện trên ba phương diện. Thứ nhất, tác động tới tình cảm pháp luật của con người, góp phần định hướng cho sự hình thành tình cảm pháp luật của mỗi công dân. Thứ hai, tác động tới tâm trạng của con người trước luật pháp cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Thứ ba, tác động đến sự tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành.