Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

GÓC NHÌN XÃ HỘI HỌC


Điều gì làm nên sự độc đáo của xã hội học?

Theo định nghĩa chung thì xã hội học là môn nghiên cứu về các ứng xử và mối quan hệ của con người trong các tổ chức hình thành nên xã hội. Nhưng thực ra, nhiều ngành nghiên cứu khác như tâm lý học, chính trị học, luật học…cũng chia sẻ đối tượng nghiên cứu với  xã hội học. Tuy nhiên, ngoài đối tượng và phương pháp nghiên cứu, xã hội học còn khẳng định chỗ đứng của mình bằng cái nhìn đặc biệt của mình về xã hội. 

Trước tiên, tìm hiểu hiện tượng xã hội phải đặt trong một bối cảnh hệ thống. Hiện tượng gì cũng cần phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể mà nó tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, nếu bạn nghiên cứu nghiên cứu hôn nhân thời Phong Kiến, nhất thiết bạn cần phân tích nó trong bối cảnh xã hội Phong Kiến. 

Thứ hai, chúng ta tìm hiểu những lực, điều kiện xã hội tác động lên hiện tượng mà mình nghiên cứu. Ví dụ các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn người bạn đời. Tâm lý học có thể giải thích dưới góc độ cá nhân: hai người yêu thương nhau, ham muốn vật chất, sắc đẹp, duyên số, nối giỏi tông đường… Xã hội học nghiên cứu yếu tố tầng lớp xã hội. => tìm hiểu động cơ quan hệ xã hội để suy luận quan điểm của cá nhân. 

Thứ ba, thấy cái tổng quát trong cái đặc thù.
“Thuộc về một phần xã hội phải lùi lại” – Peter Berger. Do đó, hiện tượng ly dị ngày càng gia tăng trong cuộc sống xã hội hiện đại có thể được các nhà xã hội học lý giải là do trình độ học thức người phụ nữ ngày càng gia tăng, họ không còn lo lắng bị phụ thuộc kinh tế vào chồng; những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phép người phụ nữ có ít con, dẫn tới việc ít bị ràng buộc; đồng thời, hiện nay, xã hội có cái nhìn thoáng hơn về tình trạng hôn nhân của người phụ nữ so với xã hội Phong Kiến và cho phép hiện tượng ly dị nếu một trong hai người không còn cảm thấy hạnh phúc. 

Thứ tư, thấy cái độc đáo trong cái bình thường.
Hiện tượng xã hội học, theo CW. Mills “không theo khuôn sáo, mà cần có cái nhìn mới mẻ”. Khi tìm hiểu về hiện tượng “uống cà phê”, có thể chúng ta xem đó là một sở thích đơn thuần, hay xem đó là một hiện tượng “ghiền” của một chất gây nghiện mà thôi, nhưng dưới nhãn quan xã hội học, chúng ta nhìn thấy đó còn là một hành động biểu hiện mối quan hệ xã hội. 

Thứ năm, không theo lý lẽ thường tình, sinh học, tâm lý học, đạo đức học, cá nhân chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa.
Bạn có thể giải thích tính cách của con người bằng nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ  sinh vật học, bạn sẽ nhìn thấy tính cách con người dựa vào hình dáng bên ngoài như “Những người thắt đáy lưng ong. Đã giỏi chiều chồng lại khéo chiều con”. Nếu nhìn dưới con mắt tự nhiên chủ nghĩa, thì tính cách coi người có thể là “sinh ra vốn sẵn tính trời”. Trong khi đó, nếu bạn giải thích điều này bằng quan điểm xã hội học thì tính cách hay còn gọi là nhân cách được hình thành trong quá trình xã hội hóa. Trong đó, cá nhân học những giá trị, chuẩn mực xã hội mong muốn qua gia đình, bạn bè đồng trang lứa, các nhóm xã hội…và cá nhân hóa vào đời sống của mình trong suốt chiều dài của cuộc đời. 

Ngoài ra, phân tích xã hội học cần có cái nhìn so sánh, đối chiếu và đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bởi chúng ta đang sống trong thế giới đang ngày càng xích lại gần nhan, các biên giới quốc gia dần xóa đi những rào cản trong quá trình phát triển. Do đó, để nhìn một hiện tượng xã hội một cách toàn diện và sâu sắc đòi hỏi chúng ta cần có nhãn quan so sánh, đối chiếu và cái nhìn  toàn cầu hóa. 

Cùng với các khoa học khác, nhãn quan xã hội học cho bạn và tôi nhìn cuộc  sống và xã hội chúng ta đang sống một cách sâu sắc hơn. Và hy vọn góp phần làm cuôc đời này tươi đẹp hơn. 
Nguồn: Blog Xã Hội Học

0 nhận xét:

Đăng nhận xét