TCCS - Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố và một trong những nhân tố giữ vai trò quan trọng là Đảng ta đã khái quát và luận giải sáng rõ những khía cạnh bản chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; qua đó tạo cơ sở, nền tảng cho việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ cơ bản này.
Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, kinh tế và chính trị vốn là hai lĩnh vực rộng lớn, cơ bản và quan trọng nhất của đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị lại càng rộng lớn, đa dạng, phức tạp hơn. Để nhận thức rõ bản chất, nội dung của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, ngoài việc trực tiếp phân tích mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng (kinh tế) và kiến trúc thượng tầng (chính trị) đòi hỏi phải tìm hiểu những hình thức biểu hiện khác nhau của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, tức là cần “lượng hóa” mối quan hệ này bằng các mối quan hệ “thứ cấp”, mối quan hệ cụ thể.
Việc “lượng hóa” mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam thành các mối quan hệ “thứ cấp” cần tuân thủ theo những cơ chế, các nguyên tắc cơ bản: 1- Đó là các quan hệ phản ánh tập trung nhất, khái quát nhất, bản chất nhất mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. 2- Đó là những mối quan hệ phản ánh đúng mâu thuẫn, bản chất của quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam, mà trước hết là phát triển kinh tế. 3- Đó là những quan hệ phản ánh đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vừa phù hợp với quy luật, xu thế của thời đại, vừa phù hợp với trình độ phát triển và bản sắc dân tộc(1).
Do tính chất rộng lớn, đa dạng, phức tạp của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị nên các mối quan hệ “thứ cấp” của nó cũng biểu hiện rất phong phú và sinh động. Tuy nhiên, có ba mối quan hệ cơ bản, cốt lõi nhất trong bản chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đây là mối quan hệ chủ yếu, phản ánh tập trung nhất mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; bảo đảm giải quyết đúng đắn, hài hòa quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Đảng ta xác định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hệ thống “các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(2).
Xét về mặt nguyên tắc, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải là thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Và, theo quan điểm của Đảng, thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa là “hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, các luật lệ với tư cách là những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của các chủ thể chính trị, các tổ chức chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ chế vận hành; điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực chính trị hướng tới thiết lập và phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân”(3).
Trên thực tế, để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định, thể chế chính trị phải được tổ chức và hoạt động phù hợp với thị trường. Đặc biệt, để tuân thủ đúng cơ chế thị trường luôn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể thuộc thể chế chính trị, nhất là thể chế nhà nước. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng, năng động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi thể chế chính trị phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện theo hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm cho thể chế chính trị không những luôn phù hợp với các bước phát triển của kinh tế, mà còn phải luôn ở thế chủ động trong các quan hệ kinh tế, thật sự có khả năng lãnh đạo kinh tế phát triển theo đúng định hướng. Vì thế, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực điều hành, quản lý của Nhà nước trong kinh tế là điều kiện tiên quyết để thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đóng vai trò là nhân tố quan trọng, tác động tích cực đối với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Ngược lại, với tư cách là nhân tố giữ vai trò quyết định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để từng bước hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là cơ sở cho việc hiện thực hóa những định hướng chính trị cho xã hội. Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị”(4).
Đảng ta xác định rõ: xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra môi trường và động lực phát triển kinh tế, củng cố cơ sở kinh tế cho đổi mới chính trị, cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chính thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đóng vai trò động lực to lớn cho sự phát triển một tư duy chính trị năng động, cho việc hoàn thiện một thể chế nhà nước gần dân, sát thực với cuộc sống, cho việc tăng cường và củng cố dân chủ trong hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân. Tính năng động và bản chất dân chủ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và tạo tiền đề kinh tế - xã hội cho tính năng động và dân chủ trong các thể chế chính trị.
Đổi mới chính trị cũng như quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra cơ sở chính trị - pháp lý cho sự phát triển kinh tế, cũng như cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc Đảng, Nhà nước lựa chọn mô hình kinh tế như thế nào có vai trò quyết định đến mối quan hệ giữa các tổ chức kinh tế tồn tại trong xã hội, đến cách thức tổ chức, sự vận hành, cơ chế sản xuất, kinh doanh,... cũng như đến mối quan hệ với Đảng và Nhà nước. Vai trò của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa đối với thể chế kinh tế thị trường được thể hiện trước hết và chủ yếu ở việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo đúng đắn, dựa trên tầm cao trí tuệ khoa học của Đảng là nhân tố quyết định để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của đổi mới kinh tế.
Thứ hai, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề căn bản của triết lý phát triển ở Việt Nam hiện nay. Đảng ta đã sớm khẳng định, nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước; phải “bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”(5). Điều đó có nghĩa là, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn là mối quan hệ biện chứng. Bởi lẽ, hai yếu tố quyết định cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường là nhà nước và thị trường. Cho nên, bàn về tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường, mấu chốt là phải xác định rõ thực trạng của mối quan hệ này.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh và khả năng tự đổi mới để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại. Và “Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, các công cụ kinh tế và lực lượng vật chất cần thiết và phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường”(6). Đặc điểm đó thể hiện sự khác biệt về chất của mô hình kinh tế thị trường mà nước ta hướng tới so với các mô hình kinh tế thị trường khác.
Kinh tế thị trường ra đời và phát triển đã giải phóng và phát huy mạnh mẽ sức sản xuất xã hội cho phát triển kinh tế. Song, bản thân kinh tế thị trường không thể khắc phục được những khuyết tật cố hữu của nó, như khủng hoảng chu kỳ, tàn phá môi trường, phân tầng và phân hóa xã hội, băng hoại nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp,... Bởi thế, đồng thời với việc phát triển nền kinh tế thị trường, Đảng ta luôn coi trọng từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để Nhà nước thực hiện tốt chức năng điều tiết, quản lý nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những khuyết tật của kinh tế thị trường, xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, phấn đấu đạt được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bên cạnh đó, kinh tế thị trường vốn là một kiểu quan hệ giữa người với người trong sản xuất, trao đổi và tiêu dùng, nên mang đậm dấu ấn của quan hệ xã hội, của thể chế chính trị được xây dựng trên nền tảng kinh tế đó. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có tác động trực tiếp nhất tới việc định hướng sự vận động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải phản ánh chính xác yêu cầu phát triển khách quan của thị trường, lấy quy luật thị trường làm cơ sở.
Trong 30 năm đổi mới vừa qua, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được xây dựng và hoàn thiện, nhất là việc coi trọng đổi mới vai trò quản lý nhà nước về kinh tế. Nhà nước giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh, thu hẹp và từng bước xóa bỏ việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước bằng kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp, đồng thời thay vào đó là Nhà nước quản lý, điều tiết nền kinh tế thông qua pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, các công cụ kinh tế và lực lượng vật chất cần thiết. Nhà nước đóng vai trò là một chủ thể kinh tế trên thị trường thông qua việc đầu tư vốn và quản lý tài sản công; tách quyền sở hữu và quyền quản lý, sử dụng; có sự phân cấp ngày càng nhiều hơn để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở; xóa bỏ các hình thức bao cấp, hạn chế, kiểm soát và xóa bỏ độc quyền kinh doanh,... Nhà nước cũng đã tích cực ban hành các chủ trương, chính sách mở rộng các quan hệ thương mại, xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với các nước, các đối tác; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; chủ động tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới.
Thứ ba, mối quan hệ giữa ổn định chính trị và đổi mới, phát triển kinh tế.
Trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, Đảng ta xác định, vấn đề ưu tiên giải quyết trước là mối quan hệ giữa ổn định và phát triển. Ổn định và phát triển vừa là tiền đề, điều kiện của nhau, vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau. Ổn định chính trị - xã hội chính là một trạng thái bền vững của hệ thống xã hội, bảo đảm sự hoạt động và phát triển tối ưu của nó theo xu hướng tiến bộ, phù hợp với quy luật khách quan, ở đó quyền lực chính trị được phát huy trên cơ sở đồng thuận của đại đa số các thành viên xã hội. Ổn định chính trị - xã hội tích cực là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, không có ổn định chính trị - xã hội chắc chắn không thể phát triển kinh tế. Đến lượt mình, nếu không phát triển kinh tế sẽ không thể giữ vững được ổn định chính trị - xã hội.
Đổi mới chính trị, ổn định chính trị với đổi mới kinh tế và phát triển kinh tế luôn có quan hệ biện chứng, tác động qua lại, vừa là tiền đề, vừa là điều kiện trực tiếp, là động lực thúc đẩy lẫn nhau. Khi có ổn định chính trị - xã hội, chế độ chính trị được giữ vững thì các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ có sự phát triển cân đối, hài hòa. Vì vậy, ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: giữ vững ổn định chính trị là một nguyên tắc của đổi mới.
Tuy nhiên, “tình huống lý luận và thực tiễn đặt ra là: một mặt, phải đổi mới và phát triển nhanh, mà đổi mới với đúng tầm mức của nó: đổi mới căn bản, toàn diện, triệt để, chứ không phải là cải tiến, điều chỉnh việc này, việc kia; mặt khác, phải giữ vững cho được ổn định chính trị - xã hội, không được để xảy ra rối loạn, vô chính phủ”(7). Theo lô-gíc hình thức, hai yêu cầu này dường như trái ngược nhau, mâu thuẫn với nhau, không thể tương hợp và sẽ rất dễ rơi vào tình trạng để giữ ổn định thì không muốn đổi mới, nhất là đổi mới chính trị; ngược lại, muốn đổi mới nhanh thì không thể không chấp nhận những đảo lộn lớn hay sự mất ổn định trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Song, biện chứng của cuộc sống không phải như vậy.
Lời giải cho vấn đề này nằm ở việc nhận thức đúng mục tiêu, điều hành đúng phạm vi và có phương thức đúng trong thực hành đổi mới, thực hiện tốt sự kết hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Trong đó, mục tiêu của đổi mới là giữ ổn định chính trị - xã hội vững chắc trên nền tảng kinh tế phát triển, đời sống của các tầng lớp nhân dân được nâng cao, xã hội dân chủ và đồng thuận.
Ngay từ khi bắt đầu đổi mới, Đảng ta xác định, mấu chốt của việc giữ vững ổn định chính trị là đổi mới và phát triển kinh tế, để giải phóng và tăng cường sức sản xuất xã hội, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Nói cách khác, phải tập trung đổi mới kinh tế trước, vì khủng hoảng kinh tế - xã hội lúc bấy giờ đã đến mức cực kỳ nghiêm trọng. Có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế mới tạo được các điều kiện cơ bản để giữ vững ổn định chính trị và thông qua đó mới tiến hành đổi mới chính trị thuận lợi, thậm chí mới biết rõ trong chính trị cần đổi mới những gì, đổi mới ra sao, theo hướng nào,... Và, đổi mới như thế sẽ vẫn giữ vững mục tiêu và bản chất chế độ, không gây ra những đảo lộn hay bất ổn về chính trị. Về phạm vi của đổi mới, trên cơ sở giữ vững 6 nguyên tắc đổi mới được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI và 6 định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII, hoàn toàn được phép đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và triệt để. Về phương thức tiến hành đổi mới, phải tiến hành cả “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, có bước đi vững chắc, với những vấn đề mới và khó phải nghiên cứu kỹ, làm thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng; đặc biệt, phải dựa vào nhân dân, trên cơ sở dân chủ. Với phương thức ấy sẽ bảo đảm tính chủ động cao, khả năng kiểm soát chặt chẽ các tiến trình xã hội, ngăn chặn từ gốc các nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội, khủng hoảng kinh tế. Và, “trạng thái ổn định được tạo lập theo phương thức ấy là sự ổn định thực chất, có nền tảng vững chắc, ổn định trong xu thế phát triển, không giả tạo hay chỉ được xác lập bằng mệnh lệnh hành chính, không chỉ giữ được ổn định bằng tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, mà còn củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, đồng thuận xã hội, thực hiện đúng “ý Đảng hợp với lòng dân””(8).
Trong thời kỳ đổi mới, mối quan hệ giữa ổn định chính trị với đổi mới, phát triển kinh tế đã, đang được Đảng ta nhận thức và chú trọng giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả. Trong đó, sự ổn định chính trị tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, phát triển kinh tế, và ngược lại, đổi mới, phát triển kinh tế lại góp phần tích cực nhất vào ổn định chính trị; qua đó góp phần đưa nước ta vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.
-------------------------------------------
(1) Xem: Dương Xuân Ngọc (Chủ biên), Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 89 - 90
(2) Văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 139
(3) Dương Xuân Ngọc (Chủ biên): Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, Sđd, tr. 93
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 104
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 78
(6) Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2015, tr. 65
(7), (8) Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo, Trần Khắc Việt, Lê Ngọc Tòng (Đồng chủ biên): Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ năm 1986 đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 349, 350
Nguyễn Đình BắcTS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòngNguồn lấy: Tạp Chí Cộng Sản